Câu chuyện bắt đầu cũng không còn mới gì, có nhẽ từ những ngày thế này của 4 năm trước, năm 2015. Không khí Hà Nội chưa đến mức “nặng” như giờ nhưng cũng dần hiếm những ngày trong lành, trời trong xanh, khí nhẹ trong veo.
Sự cố cháy nổ (ở tòa nhà chúng tôi thuê làm R&D center lúc ấy - Toyota Mỹ Đình) tự nhiên ập đến. Nhem nhuốc tý nhưng chẳng bị thiệt hại gì lớn, ngoài chút neuron thần kinh lo lắng. Khủng hoảng xảy ra ngẫu nhiên, hầu như chẳng có thể chuẩn bị được gì trước cả. Sự cố xảy ra khiến chúng tôi đau đáu câu hỏi làm sao để giảm thiểu rủi ro cho con người và hạn chế mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần mỗi khi khủng hoảng hay sự cố xảy ra ở nơi làm việc, đặc biệt là nơi có nhiều khu vực có mật độ tập trung lao động cao như các cơ quan, công xưởng may hay dệt. Rồi từ đó, không có người chắc phải dùng máy để canh gác. IoT như là bước ngẫu hứng với việc mua bản mạch Raspberry Pi đầu tiên trong đời.
Thời gian nghiên cứu và phát triển ứng dụng mạng lưới cảm biến để quản trị khủng hoảng đã giúp chúng tôi nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe con người và thậm chí tăng năng suất lao động thông qua cải thiện chất lượng không khí. Theo thống kê của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA, con người dành 90% cuộc đời hít thở không khí ở trong nhà và nguồn không khí này ô nhiễm gấp 2-5 lần so với không khí ở bên ngoài. Nhờ vậy, chúng tôi nhận thấy cơ hội để xây dựng một hệ thống giám sát chất lượng không khí trong nhà, tích hợp cả phần mềm và phần cứng nhằm đóng góp cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Con đường lẫm chẫm mò mẫm cuốn hút đến kỳ lạ, sensors, data, nhiều sensors nữa, nhiều data nữa, Machine Learning, Deep Learning, AI. Nhiều bạn trẻ cứ đến học lỏm tý, để hướng dẫn làm luận án rồi đi, còn lại lão coder già vào cậu đồng nghiệp coder trẻ cứ tiếp tục lọ mọ, nhiều hôm trắng đêm. Có đợt ngủ lại cả công ty chỉ vì con HPC dở chứng update lib mới và broken.
Học, Code, Họp, Học, Code, Họp, có đến n lần.
+ 5/2017: Quyết tâm làm đến cùng, dù ko có tiền nuôi nữa. Cùng năm 2017, ThinkLABs nhận được hỗ trợ từ chương trình IBM Global Entrepreneur Program, được truy cập vào tới kho tài nguyên và các công nghệ Cloud của "gã khổng lồ" IBM, từ đó phát triển ý tưởng và giải pháp mà chúng tôi đang ấp ủ.
+ 04/2018: lọ mọ sang Hàn Quốc để có thầy dạy, từ cái nhỏ nhất như là cái … vỏ hộp bánh chẳng hạn (kiểu sandwich design) rồi về chạy máy in 3D tự chế, cho đến nguyên lý mạch mấy lớp, các kiểu chân đấu, con chip nọ, điện trở kia.
Để đảm bảo tMonitor được vận hành tốt nhất, chúng tôi đã mua những cảm biến cao cấp và chuyên biệt từ nước ngoài để lắp ráp một thiết bị hoàn chỉnh, cũng như tăng cường hiệu suất phần mềm chạy trên hệ thống AI và Cloud. Đến nay, tMonitor đã được lắp đặt tại 18 địa điểm trên toàn Việt Nam.
4 năm trôi qua và giờ chúng tôi vẫn đang lẫm chẫm lắm nhưng có vẻ con đường đi đã có vệt và sáng tỏ hơn. Có nhiều thứ không biết nhưng đoan chắc bao chông gai khác sẽ tới tấp, để rồi còn cố được thì sẽ vượt qua.
Giai đoạn mới, cần nhiều cánh tay hơn nữa, nhiều cái đầu hơn nữa và nhất là cần nhiều nhiệt huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ hơn nữa cho Make in Vietnam. Made by Vietnamese.
+ 06/2019: Trong khuôn khổ sự kiện Huế - Sáng tạo để phát triển - Hue Innovation Day 2019, câu chuyện về tMonitor một lần nữa được chia sẻ. Đó là câu chuyện về con đường chúng tôi đang đi bốn năm qua, bắt đầu với câu hỏi làm sao để giảm thiểu rủi ro từ khủng hoảng đến những ngày đêm nghiên cứu, học hỏi, rồi chập chững phát triển và rồi dần hoàn thiện giải pháp Hệ thống giám sát chất lượng không khí trong nhà tMonitor. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp của chúng tôi nhé!